Cuộc sống hiện đại ngày nay cuốn chúng ta vào vòng quay vội vã của đủ thứ tiện nghi, có khi nào bỗng dưng ta chợt nhớ đến những điều giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa của ngày xưa…
Mẹ ạ!
Chiều qua khi đón con gái đi học về, tiện ghé qua chợ tạm mua vội ít rau trên kệ hàng về nấu cơm, con chợt thấy cay mắt khi nhìn thấy một cụ già ngồi co ro ven đường với vài mớ rau hơi dập nát, còn chẳng được xếp tử tế trên mẹt mà chỉ lót tạm một lớp nilong trên mặt đất. Bình thường con sẽ chẳng để ý đâu nhưng thấy con đứng gần nên bà cụ thều thào gọi với rằng: “Cô ơi mua giúp tôi nốt ít rau cho tôi về nhà với!”
Mặc dù con con nó cứ giục đi về nhưng con cũng kịp hỏi thăm cụ mấy câu và biết rằng nhà cụ cách trung tâm Hà Nội gần 20 cây số, mà lúc đó là khoảng 5 rưỡi rồi. Cụ lọc cọc đạp xe thì không biết đến bao giờ mới về được đến nhà ăn bữa cơm gia đình cùng con cháu. Con không mặc cả gì mà mua luôn giúp cụ nốt hai mớ rau muống (dù không định ăn), cụ móm mém cảm ơn rồi thu dọn về. Con cũng phóng xe đi.
Con còn nhớ ngày xưa khi mẹ dắt con đi “chợ quê” gần nhà, con được tha hồ nghịch bao nhiêu tôm cá rau dưa, mẹ chỉ cho con đi chợ mặc cả như thế nào, cách chọn rau mua thịt ra sao, sướng rơn khi được cho thêm một quả chanh trái ớt, được ăn cốc chè mát lạnh hay ăn vặt linh tinh mỗi khi theo mẹ đi chợ về… Những gánh rau xanh, chậu tôm cá nhảy tanh tách, cua bò lổm ngổm cùng với những loại hoa quả theo mùa đủ loại màu sắc ấy là một phần tuổi thơ con.
Liệu trong tương lai gần, những siêu thị hiện đại có thay thế hoàn toàn được những góc chợ truyền thống? Ảnh minh họa: Internet.
Thế nhưng bây giờ, cuộc sống tấp nập, vội vã và xô bồ lắm mẹ! Thế hệ chúng con giờ đây cứ cuối tuần lại tạt qua siêu thị, hàng hóa thực phẩm được bày bán trên những kệ để hàng, tôi mua một đống đồ ăn thức uống chuẩn bị cho cả tuần chứ mấy khi thoải mái thời gian đi chợ mua rau cỏ thịt thà (trừ những người nội trợ). Cháu mẹ thì lại càng thích đi siêu thị, nó nói siêu thị vừa đẹp vừa nhiều đồ chứ nhất quyết không muốn đi chợ với con vì vừa bẩn, vừa mùi, lại có nhiều người đanh đá chua ngoa. Tuổi thơ của chúng bây giờ lớn lên trong tiện nghi hiện đại chứ đâu còn dân giã, bình dị như xưa.
Ngày xưa, thức ăn sạch theo đúng nghĩa của nó, không đa dạng, cầu kỳ như bây giờ, cũng chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng nó chan chứa tình cảm gắn bó quê hương. Ngày nay cuộc sống ngập trong đồ ăn nhanh, cám tăng trọng, thuốc trừ sâu, phẩm màu, hóa chất,… chỉ vì mục đích kiếm lợi mà con người ta nhẫn tâm làm hại nhau như thế.
Tất nhiên, cái gì cũng phải thay đổi, phát triển nhưng đôi lúc con băn khoăn tự hỏi, dần dần, khi những quán ăn nhanh, cửa hàng “take away” có dần thế chỗ và làm biến mất những khu chợ, quầy hàng nhỏ đơn sơ ấy không. Rồi vài ba năm nữa, có khi chẳng còn chợ mà đâu đâu cũng chỉ toàn siêu thị.
Rau xanh nông dân trồng giờ cũng được thay thế bằng rau sạch trồng theo tiêu chuẩn trong nhà kính, thịt bò Úc, đồ ăn Nhật, hoa quả nhập từ Mỹ, New Zealand,… sẽ chẳng còn chỗ cho những người nông dân sớm tối cặm cụi với đồng ruộng, vườn cây. Niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của người dân khi vớt những mớ rau từ tờ mờ sáng, chuẩn bị vào trung tâm thành phố bán với hy vọng kiếm được thêm vài đồng cho con cái đi học. Những cuộc trò chuyện, mặc cả ngoài chợ cũng sẽ được thay thế bằng những tiếng bíp bíp vô cảm của máy tính tiền trong siêu thị. Nông nghiệp đang được “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mẹ à!
Người dân dựa vào vườn, ao, chuồng để kiếm sống với những nông sản dù có thể không ngon nhưng tươi và sạch. Đó đâu chỉ đơn thuần là việc mua bán trao đổi mà là cuộc sống của họ và gia đình, tất cả đều trông cậy vào mấy sào rau, ao cá, chuồng gà chuồng lợn, con bò con trâu,… Vậy khi tất cả đều thay đổi, họ tất nhiên sẽ buộc phải thay đổi theo hoặc có thể không. Vì giờ rau xanh cũng có thể được chăm sóc bằng máy móc, đâu cần bàn tay con người. Vậy những người nông dân sẽ làm gì để mưu sinh?
Dẫu biết rằng cái gì cũng có hai mặt. Khi xã hội phát triển quá nhanh, quá gấp mà thiếu sự định hướng cơ bản thì người thiệt vẫn là nông dân nhưng ta vẫn phải chấp nhận sự hiện đại ấy, nơi mà con người dần mất đi những kỉ niệm và gắn kết với nhau.
Theo: Nguoiduatin.vn