Siêu thị mini tại các vùng Quê

(Thời báo Kinh Doanh) Không có nhiều thông tin về thị trường bán lẻ tại các vùng nông thôn của Việt Nam. Nhưng, với nhiều nhà cung cấp hàng tiêu dùng, và các doanh nghiệp sản xuất Kệ siêu thị thì nông thôn đang là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất cho các sản phẩm của họ. Và một cách âm thầm, thị trường bán lẻ nông thôn đang lớn mạnh, tới mức không hề thua kém thị trường thành thị.

Đường 351 dài chừng 4 km, nối từ Quốc lộ 5 tới đường 208, chạy xuyên qua 2 xã An Đồng, Đặng Cương thuộc huyện An Dương, Hải Phòng. Trên đoạn đường ấy, có 2 chợ cấp xã và 8 cửa hàng bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng cho bà con.
Vợ chồng Thắng – Hải (xã Đặng Cương) là chủ 1 trong 8 cửa hàng ấy. Gọi cửa hàng là có phần hơi “dìm hàng” đầu tư của cặp vợ chồng trẻ này, vì thực tế, như 7 cửa hàng còn lại, nó được đầu tư hệt như một siêu thị mini.
Tư dinh thành siêu thị
Trên mặt bằng chừng hơn 100m2, những nông dân dọc đường 351 đã cho xây dựng cửa hàng rộng rãi, sạch sẽ, có đèn trần, sàn lát gạch men sáng màu và cửa kính kín, điều hòa mát rượi.
Những giá kệ để hàng nhiều tầng được bố trí bên trong để chứa hàng và những siêu thị mini ấy có đủ màn hình tivi phát quảng cáo, máy tính tiền, máy cấp đông bán thực phẩm đông lạnh…
Khách vào siêu thị không cần hỏi ông bà chủ, cứ tự giác lần tìm hàng mình cần và mang ra tính tiền, giá cả đã có sẵn trên bao bì, không cần mặc cả.
Anh Thắng cho biết tổng cộng vợ chồng anh đầu tư cho cửa hàng hết 320 triệu đồng, chủ yếu là tiền xây nhà và khoảng tầm chừng ấy vốn nữa làm lưu động mua hàng. Mức đầu tư ấy ở quê anh là lớn, “nhưng kiếm ăn được anh ạ”, anh nói trong khi tay vẫn thoăn thoắt bấm máy tính tiền cho khách.
Chữ “được” ấy cũng là khá… khiêm tốn, vì bình quân doanh số bán hàng của “siêu thị” nhà anh Thắng là 100 – 120 triệu đồng/ngày, vợ chồng anh được chiết khấu bình quân khoảng 8% tổng doanh số ấy, tương đương từ 800.000 – 1 triệu đồng/ngày. Và đó là thu nhập mà ngay người thành thị cũng phải mơ ước.
Những mô hình cửa hàng tự chọn, siêu thị mini giờ đã không còn xa lạ với bà con nông dân tại phần lớn các khu dân cư nông thôn phía Bắc. Từ 4 năm nay, những mô hình kiểu này đã dần trở nên phổ biến, và chiếm vị trí ngày càng lớn trong hệ thống bán lẻ tại nông thôn.
Và nếu các chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Chính phủ phát động hiện chưa làm được việc mọi người dân nông thôn đều sử dụng hàng Made in Việt Nam, thì kết quả kép đang phát huy hiệu quả rất tốt của chương trình ấy lại là góp phần chủ chốt định hình lại phương thức và mô hình bán lẻ tại các vùng quê của cả nước.
Trong đó, quan trọng nhất là mô hình các cửa hàng tự chọn, siêu thị mini tại các điểm dân cư, chợ cấp xã. Và, đây mới là điều quan trọng nhất để bảo đảm hàng Việt sẽ thay thế “hàng Trung Quốc” trong thói quen tiêu dùng của nông dân.

Siêu thị mini tại nông thôn

Siêu thị mini tại nông thôn

( ảnh Phóng viên Thảo Trang )

Nhiều DN bán lẻ, siêu thị đã ngạc nhiên trước sức mua của thị trường nông thôn

Cuối tháng 4/2014, hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Tương lai đi về đâu” được tổ chức. Đại diện của Công ty Nielsen Việt Nam công bố báo cáo do công ty này tự thực hiện, theo đó, lựa chọn tiêu dùng các cư dân nông thôn đang thay đổi theo hướng tiện ích, hiện đại, “tiệm cận về gần với nhu cầu như người tiêu dùng ở thành thị”, là cách vị này nói về thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân ở nông thôn.
Theo nghiên cứu của công ty này, hiện có khoảng 477.000 cửa hàng vừa và lớn tại thị trường nông thôn Việt Nam. Và nếu tính trung bình có 64 khách hàng ra vào 1 cửa hàng mỗi ngày, thì sẽ có khoảng 27,5 triệu người hàng ngày tham gia mua hàng tại số lượng các cửa hàng ấy. Đó là con số khiến nhiều DN bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng phải cân nhắc, xem xét lại chương trình bán hàng của mình.
Doanh nghiệp tìm ra “miền đất hứa”
Thực tế, cách đây 4 năm, khi triển khai chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều DN bán lẻ, siêu thị đã ngạc nhiên trước sức mua rất tốt của thị trường này.
Cái ngạc nhiên nữa là sự tồn tại của một hệ thống cung cấp hàng do các chủ tư nhân làm chủ, tồn tại song song với hệ thống cung cấp hàng của các DN bán lẻ. Do sự tồn tại của hệ thống này, mà nhiều loại hàng Trung Quốc, kém chất lượng đã “vào” được và tồn tại được tại thị trường nông thôn.

Mini mart hiện đại tại các vùng nông thôn

Mini mart hiện đại tại các vùng nông thôn

Từ đây, nhiều DN đã tận dụng lợi thế về vốn và kinh nghiệm thị trường của mình, xây dựng lại phương thức cung cấp hàng tới hệ thống cửa hàng nông thôn. Và đây chính là lúc hình thành hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị mini tại các vùng đông cư dân nông thôn.
Sự mới lạ trong cách bán hàng, đồng thời khả năng cho phép lựa chọn, hàng hóa đa dạng tại các mô hình này không mất quá nhiều thời gian để thắng thế cách bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Và, sự hình thành chuỗi các cửa hàng của mô hình này đã góp phần giúp các DN định hình lại việc tổ chức phân phối hàng về nông thôn.
Theo một giám đốc DN siêu thị tại Hải Phòng, hiện lượng hàng của DN này đưa về nông thôn đã chiếm tới hơn 50% tổng doanh thu bán hàng các mặt hàng cơ bản như lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình, nhà bếp…
Với 70% dân số sống tại nông thôn, thị trường bán lẻ tại khu vực này đang phát triển mạnh mẽ cả về nhu cầu tiêu thụ và mạng lưới cửa hàng bán lẻ. Và, trái ngược với hệ thống siêu thị cỡ lớn tại các đô thị đang chao đảo trong cơn khủng hoảng, mô hình bán lẻ cỡ nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn dường như chưa hề gặp khó khăn trong phát hành sản phẩm.
Mạng lưới các cửa hàng theo mô hình này vẫn đang gia tăng liên tục. Và theo cam kết gia nhập WTO, đến tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn.
Với 90 triệu dân, mức tăng trưởng bình quân 23%/năm ở thị trường bán lẻ, tuy nhiên, dường như mọi sự cạnh tranh bán lẻ lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ tại khu vực nông thôn đang dần định hình lại, và thực ra đang cho thấy hiệu quả và sự ổn định hơn hẳn trong phát triển so với các mô hình bán lẻ tại thành thị.

Vậy các bạn có dự định mở siêu thị, hay cửa hàng tạo hóa tại các vùng nông thôn. Thì đây cũng là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng để phát triển.

Theo Thời báo Kinh Doanh

About thinhphat

Thịnh Phát Chuyên Sản xuất và Phân Phối Thiết bị siêu thị, Giá kệ siêu thị, Cổng từ an ninh trên toàn Quốc, Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, và đưa ra các giải pháp kinh doanh siêu thị hiệu quả, tiết kiệm.