2015 có thể là năm đầy biến động đối với hàng hóa nội địa khi các tập đoàn bán lẻ quốc tế ngày càng gia tăng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Center Group đã mua lại 49% Siêu thị điện máy Nguyễn Kim . Các tập đoàn bán lẻ quốc tế khác cũng ngày càng quan tâm, tìm cách mua lại nhằm thống lĩnh hệ thống bán lẻ ở Việt Nam.
Đánh giá về tình hình thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của các tập đoàn nước ngoài, ông Phan Thế Ruệ – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Theo số liệu Bộ Công thương, doanh số bán lẻ của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam hiện nay chiếm từ 15 – 20%. Năm 2013, hiện tượng này diễn ra chậm chạp và thưa thớt, nhưng bắt đầu từ năm 2014, việc thâu tóm thị trường Việt Nam của các nhà bán lẻ nước ngoài khá nhộn nhịp. Trong đó việc liên kết, liên doanh để tiến dần tới thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam đều nằm trong chiến lược của họ”.
Đồng quan điểm với ông Phan Thế Ruệ, ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng năm 2015 sẽ còn nhiều vấn đề khó lường xảy ra đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
“Thực tế, chúng tôi cảm nhận được hai sức nóng lớn ở lĩnh vực bán lẻ. Đầu tiên là sức mua. Sức mua trong năm 2015 sẽ còn những điểm hạn chế. Điều thứ hai là sức nóng cạnh tranh. Cùng với sự sáp nhập, mua bán và thâu tóm, sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại là điều trăn trở chung của các doanh ngiệp bán lẻ nội địa”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Đức, một tín hiệu tích cực đã đến với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa khi chỉ số niềm tin tiêu dùng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã có dấu hiệu tăng hơn so với các nước trong khu vực.
Thực tế, không thể phù nhận rằng ở thời điểm Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN – một thị trường hơn 650 triệu dân, không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà cả những nhà sản xuất nội địa cũng sẽ gặp khó khăn ngay tại sân nhà. Trong đó, hai khó khăn lớn được Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra là cơ sở hạ tầng và hàng rào kỹ thuật.
“Trong trường hợp, siêu thị rơi vào tay tập đoàn nước ngoài, một điều chắc chắn rằng hàng hóa Việt sẽ khó có cơ hội góp mặt trên giá kệ tại những siêu thị này” – ông Phan Thế Ruệ nhận định – “Hiện nay, những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và một số dịch vụ hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa tốt. Trong khi, bản thân các doanh nghiệp lại chưa tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, việc giữ giá thành hàng hóa thấp nhằm nâng tính cạnh tranh khi đưa hàng hóa vào siêu thị cũng cần được các DN đặc biệt quan tâm”.
Có thể thấy, năm 2015 hứa hẹn không chỉ là một năm đầy biến động với các nhà bán lẻ Việt Nam, mà còn trở thành “khúc dạo đầu khốc liệt” đối với hàng hóa nội địa. Bởi, rõ ràng hàng hóa Việt Nam sẽ khó có cơ hội được lên kệ của các siêu thị nước ngoài ngay trên sân nhà.
Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận có chủ đề “Siêu thị ngoại và hàng nội”, với sự tham gia của hai khách mời: Phan Thế Ruệ – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc Saigon Coo.op.
Theo VTV