Hàng tiêu dùng ngoại “tấn công” hàng nội

(ĐSPL) – Hàng tiêu dùng, thị trường bán lẻ trong nước đang bị “đe dọa” bởi sự xuất hiện ồ ạt của các hãng hàng tiêu dùng ngoại ngày càng nhiều trên kệ bày hàng trong siêu thị

Thêm nhiều tên tuổi ngoại mới

Thông tin trên Thời báo KTSG, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, tập đoàn bán lẻ AuchanSuper (Pháp) mở hai siêu thị và trong năm 2016, sẽ mở thêm 15 siêu thị nữa tại TPHCM, với tổng vốn đầu tư từ 35-40 triệu euro.

Khoảng ba năm nay, AuchanSuper đã quay trở lại với hướng đi có phần chắc chắn hơn, đó là liên kết với các nhà bán lẻ và phát triển bất động sản trong nước. Nhờ đó, mà dù nhiều người vẫn chưa biết AuchanSuper vào Việt Nam nhưng nhà bán lẻ này đã có siêu thị đầu tiên đang hoạt động tại 240 Trần Bình Trọng, quận 5. TPHCM với tên gọi Simply Mart vào đầu năm nay thông qua việc hợp tác với tập đoàn C.T Group. Theo kế hoạch, hai doanh nghiệp này sẽ phát triển một số siêu thị khác. Ngoài ra, AuchanSuper còn bắt tay với nhà phát triển bất động sản Lê Thành để có mặt bằng kinh doanh và dự kiến vào tháng 11 này AuchanSuper sẽ khai trương siêu thị Simply thứ hai tại TPHCM ở khu căn hộ Lê Thành, quận Bình Tân.

Theo giới phân tích, AuchanSuper kinh doanh hai mô hình gồm siêu thị và đại siêu thị, nhưng vào Việt Nam, tập đoàn này chú ý đến mô hình siêu thị với diện tích kinh doanh từ 2.000-3.000 mét vuông nên sẽ không khó tìm mặt bằng.

Không riêng AuchanSuper chọn TPHCM là điểm đến đầu tiên mà nhiều nhà bán lẻ ngoại khác cũng chọn thành phố này trước khi mở rộng sang các tỉnh, thành khác vì doanh số bán lẻ của TPHCM chiếm khoảng 30% doanh số bán lẻ cả nước.

Đơn cử như nhà bán lẻ E-mart đến từ Hàn Quốc. Bốn năm trước, E-mart bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam và ký kết với tập đoàn U&I để lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam. Tại thời điểm ký kết (tháng 7-2011), E-mart và U&I cho biết liên doanh sẽ khai trương siêu thị đầu tiên ở Hà Nội và đặt mục tiêu mở 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện E-mart đầu tư một mình và dự án đầu tiên của tập đoàn tại TPHCM sẽ được khai trương vào cuối năm nay ở quận Gò Vấp. Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Công ty TNHH E-mart Việt Nam, không cho biết lý do E-mart chuyển hướng từ liên doanh sang đầu tư 100% vốn nhưng tiết lộ rằng E-mart đầu tiên có diện tích đến ba héc ta với vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, E-mart cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại TPHCM đặt ở quận Tân Phú.

E-mart là nhà bán lẻ lớn thứ hai của Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam sau Lotte Mart đang phát triển 10 siêu thị và trung tâm mua sắm lớn ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Tương tự, tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ mở cửa hàng tiện lợi 7- Eleven đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và đặt tại TPHCM. Theo báo Nikkei (Nhật Bản), công ty con của Seven & I Holdings tại Mỹ là Seven Eleven Ink đã ký hợp đồng với Công ty IFB Việt Nam để phát triển chuỗi kinh doanh này. Mục tiêu của Seven & I Holdings là phát triển được 100 siêu thị sau ba năm và nhân lên thành 1.000 siêu thị sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thứ ba vào Việt Nam sau hệ thống FamilyMart và Ministop.

Trong khi những nhà bán lẻ ngoại mới vào Việt Nam chọn TPHCM làm điểm xuất phát thì các nhà bán lẻ có mặt lâu năm như Big C, Metro, Lotte, Aeon… đã và đang mở rộng sang nhiều tỉnh, thành khác.

Hàng tiêu dùng ngoại

Người dân chọn dầu ăn của các thương hiệu nước ngoài ở siêu thị Maximark Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. (Ảnh: báo Tuổi trẻ)

Những thương hiệu bán lẻ “thuần Việt” đang dần mờ nhạt hoặc phải hợp tác, bán hệ thống của mình cho các doanh nghiệp mạnh hơn, mà phần lớn là các nhà bán lẻ ngoại.

Thế mạnh chủ yếu của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua là “lợi thế sân nhà” và sở hữu nhiều điểm bán. Tuy nhiên, khi các nhà bán lẻ ngoại đến, một số thế yếu của doanh nghiệp trong nước dần thể hiện ra. Các nhà bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có hệ thống kho vận tốt, giàu kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ thế giới, được đánh giá là vượt trội hơn các doanh nghiệp bán lẻ nội địa về mọi mặt, đồng thời lại có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ, uy tín thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam.

Một số nhà bán lẻ trong nước nhìn thấy khó chống cự với sự lớn mạnh của nhà bán lẻ nước ngoài, trong khi nhà bán lẻ ngoại thì cần mặt bằng để kinh doanh ngay. Do đó, họ đã bán cổ phần hoặc toàn bộ hệ thống kinh doanh cho doanh nghiệp ngoại. Hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart quen thuộc của người tiêu dùng hai miền Nam, Bắc giờ đây được gắn thêm thương hiệu bán lẻ Aeon của Nhật Bản. Hàng loạt điểm bán của hệ thống siêu thị điện máy Pico trước đây cũng đã được thay thế bằng siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc…

Ngay cả những tên tuổi bán lẻ lớn trong nước cũng có sự tham gia vốn của những nhà bán lẻ ngoại. Nhà bán lẻ điện máy Power Buy thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần hệ thống kinh doanh của Nguyễn Kim từ đầu năm nay. Từ tháng 6 vừa rồi, tập đoàn bán lẻ điện tử Nojima (Nhật) đã nắm giữ 31% cổ phần của hệ thống điện máy lớn mạnh ở khu vực phía Bắc là Trần Anh. Với sự tham gia vốn của Nojima, dự kiến vào tháng tới, siêu thị Trần Anh sẽ có cửa hàng đầu tiên được đầu tư theo mô hình kinh doanh và dịch vụ của Nhật Bản, trong đó có gắn cả thương hiệu Nojima.

Hàng Thái “thách thức” hàng Việt

Tin tức trên báo VOV, một cách lặng lẽ nhưng chắc chắn, hàng tiêu dùng Thái Lan, đặc biệt là đồ gia dụng, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm… đã có mặt tại Việt Nam và dần chiếm lĩnh thị trường. Với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng đáp ứng yêu cầu là ưu thế cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt cùng chủng loại, phân khúc. Theo khảo sát của chúng tôi, các mặt hàng được bày bán ở chuỗi cửa hàng đồng giá của Thái Lan chủ yếu là hàng gia dụng, văn phòng phẩm, đồ trang trí trong nhà… được thiết kế với màu sắc, kiểu dáng bắt mắt.

Chủ một siêu thị mini trên phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội cho biết, khách tới mua ngày càng nhiều khiến cửa hàng phải tuyển thêm nhân viên bán hàng. Tất cả các mặt hàng bày bán đều được lấy tận gốc tại Thái Lan nên giá cả phải chăng. Dù đắt hơn hàng Việt Nam một chút nhưng chất lượng tốt và kiểu dáng đẹp là điều khiến nhiều khách hàng lựa chọn. Các loại bánh kẹo và hóa mỹ phẩm như sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng… của Thái Lan bán chạy hơn các sản phẩm khác nhiều, dù là cùng nhãn hiệu sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.

Thực tế cho thấy, hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa chuộng bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 – 20%, nhưng lại rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu mà chất lượng lại không thua kém. Bên cạnh đó, các mặt hàng Thái Lan còn được sự “hậu thuẫn” từ các nhà phân phối của Thái.

Thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập như BJC mua cổ phần của FamilyMart trong liên doanh với Công ty Phú Thái và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart; hay BJC mua 19 siêu thị Metro Cash & Carry…

Thống kê của Bộ Công Thương tính đến 8 tháng đầu năm 2015, trong số các mặt hàng nhập khẩu, hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước. Đặc biệt, mặt hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, hoa quả Thái Lan cũng chiếm tới 40% thị phần nội địa Việt Nam.

Cuộc tấn công ồ ạt của hàng hóa và các hệ thống bán lẻ Thái Lan lại một lần nữa đặt DN Việt trước bài toán cạnh tranh sống còn ngay trên sân nhà. Nhiều chuyên gia cảnh báo, độ phủ của hàng Thái đang thực sự là nỗi lo cho DN Việt. Ngay như mặt hàng may mặc, Việt Nam được xem là một trong những thế mạnh về xuất khẩu nhưng cũng bị hàng Thái tấn công. Các DN Việt Nam khó mà cạnh tranh với hàng Thái Lan khi mẫu mã chưa đẹp, chưa chú trọng đầu tư thiết kế hình dáng, hoa văn…

Trong khi đó, chất lượng thì đa phần chỉ ở mức “tầm tầm”. Thêm nữa, thị trường nội địa được ví như “bàn đạp cho xuất khẩu”, nếu cứ để hàng Thái tiếp tục lấn át ngay trên sân nhà, DN Việt sẽ khó có thể hướng mạnh vào xuất khẩu được. Nhất là tới đây, hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%, nên ngay từ bây giờ các DN Việt cần tìm ra lối đi mới cho mình nếu không muốn mất chính thị trường sân nhà vào tay đối thủ.

Theo: Doisongphapluat

About thinhphat

Thịnh Phát Chuyên Sản xuất và Phân Phối Thiết bị siêu thị, Giá kệ siêu thị, Cổng từ an ninh trên toàn Quốc, Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, và đưa ra các giải pháp kinh doanh siêu thị hiệu quả, tiết kiệm.