Các kênh bán lẻ “so găng”

(HQ Online)- Xu hướng mua hàng trên kệ siêu thị ngày càng đi vào thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Và đây là những ưu điểm như tiện lợi, gần, thanh toán nhanh…, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang chứng tỏ tính ưu việt của mình tại thị trường Việt Nam. Sau thất bại của khoảng 10 năm trước, lần quay trở lại này của cửa hàng tiện lợi báo hiệu một cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Siêu thị, đại siêu thị đang bị cạnh tranh bởi cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Hồng Vân

“Phủ sóng” nhanh…

Thị trường bán lẻ Việt đang là “miếng bánh” ngon được chia cho nhiều “kênh”, từ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị cho đến chợ truyền thống… và gần đây là sự xuất hiện ngày càng nhiều của kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Trên thực tế, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây 10 năm nhưng do “sinh” không đúng thời nên đã bị thất bại. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thể hiện sự vui mừng khi chuỗi cửa hàng tiện lợi tiếp tục “bùng nổ” ở Việt Nam bởi đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Sự trở lại lần thứ 2 của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam hiện nay được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi để đi tới thành công. Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam đã chỉ ra, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển kênh mua sắm tiện lợi như số lượng dân số trẻ chiếm tới 57%, 13% dân số tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm, tỷ lệ đô thị hoá là 30% với mức tăng trưởng 3,4% và có đến 73% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ sản phẩm cao. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Công ty Nielsen Việt Nam nhấn mạnh, sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần đến năm 2020, được coi là động lực chính cho sự phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở Việt Nam.

Hiện nay, mức độ “phủ sóng” của chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng khá nhanh, chủ yếu là ở TP. HCM nhưng con số còn quá nhỏ so với nhu cầu của người dân. Số lượng cửa hàng tiện lợi trên đầu người ở Việt Nam so với các nước còn quá ít, trong khi Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng, Hàn Quốc là 1.800 người/cửa hàng thì ở Việt Nam con số này là 69.000 người/cửa hàng. Đối tượng mua sắm của những cửa hàng tiện lợi gồm sinh viên, người mới đi làm, phụ nữ công sở, phụ nữ nội trợ…

Như vậy, sự bùng nổ của chuỗi cửa hàng tiện lợi và những siêu thị mini cho thấy một xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới. Đó là nhu cầu tối đa sự tiện lợi của người tiêu dùng. “Các DN, nhà sản xuất cần nắm bắt được xu hướng này để có cách tiếp cận khách hàng, phân phối sản phẩm đến khách hàng một cách hiệu quả nhất”, bà Quỳnh khuyến cáo.

… và cuộc ganh đua

Theo đánh giá của Công ty Nielsen Việt Nam, với ưu điểm tiện, nhanh, phục vụ nhu cầu mua sắm 24/24…, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng dịch vụ của cửa hàng tiện lợi nhiều hơn so với hệ thống siêu thị, đại siêu thị, mặc dù giá cả của hàng tiện lợi có đắt hơn 10-15% so với đại siêu thị. Xu hướng này là mối đe dọa đối với các đại siêu thị.

Bà Quỳnh chia sẻ, ở Trung Quốc, khi cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lượng người tiêu dùng của siêu thị và đại siêu thị. Đây cũng là xu hướng ở các nước khác, không ngoại trừ Việt Nam. “Có thể ở Việt Nam chưa bị ảnh hưởng tới mức độ đó khi xét trên phương diện tỷ trọng kênh bán lẻ ở Việt Nam còn quá nhỏ so với các nước chỉ chiếm 18%, trong khi các nước lên đến 50%, thậm chí còn cao hơn. Do vậy, “miếng bánh” kênh bán lẻ hiện tại có thể được mở rộng và tạo động lực gia tăng tỷ trọng của kênh bán lẻ. Nếu siêu thị, đại siêu thị có bước chuyển mình thì hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng”, bà Quỳnh nhận định.

Cùng chung quan điểm trên, bà Loan cho rằng, giữa các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, đại siêu thị luôn có sự cạnh tranh để thu hút khách hàng. Theo đó, cửa hàng tiện lợi có thế mạnh là sự tiện lợi, thời gian làm việc dài, có thể mở 24/24h, cung cấp sản phẩm một cách nhanh chóng… nhưng điểm yếu lớn nhất chính là giá cả. Tại một số nước, chênh lệch giá giữa cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, đại siêu thị thường ở mức 10% thậm chí 30% nhưng tại Việt Nam con số này đang trong khoảng 6-10%.

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Hữu Thìn, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tỏ ra lo ngại, khác với siêu thị, cửa hàng tiện lợi đánh trực tiếp vào mô hình bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa). Hiện các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang phần lớn do DN nước ngoài chiếm lĩnh. Do các quy định chặt chẽ của pháp luật, thủ tục kéo dài, tốn kém nên các DN nước ngoài hầu hết đều đổ vào lĩnh vực này bằng nhượng quyền và hợp tác với các DN trong nước. Hàng hóa trong nước cũng đang khó chen chân vào các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi này vì hàng nước ngoài chiếm chủ yếu. “Nếu để DN nước ngoài vào ồ ạt thì bà con và cửa hàng nhỏ lẻ sẽ chết hàng loạt. Do vậy, cơ quan quản lý có trách nhiệm cân bằng điều này”, ông Thìn nói. Cũng đề cập đến yếu tố nước ngoài, bà Loan chia sẻ thêm, thực tế các DN nước ngoài đang hướng mạnh vào việc phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Vậy nên, các DN cần thay đổi để có thể tham gia giữ vững thị trường và thị phần trong xu hướng các chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang tỏ ra thích ứng với thị trường Việt Nam.

Nguồn: baohaiquan.vn

About thinhphat

Thịnh Phát Chuyên Sản xuất và Phân Phối Thiết bị siêu thị, Giá kệ siêu thị, Cổng từ an ninh trên toàn Quốc, Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, và đưa ra các giải pháp kinh doanh siêu thị hiệu quả, tiết kiệm.